Đang ngồi ở văn phòng giáo xứ thì bất chợt có một cụ bà đến gõ cửa ầm ầm. Vừa bước ra, chưa kịp chào thì cụ đã vung tay múa chân rồi chìa thẻ chứng minh nhân dân ra, nói tiếng bản địa Quechua. Chả hiểu gì hết nên hỏi cụ là có biết tiếng phổ thông Tây Ban Nha không, bằng tiếng Quechua, câu hỏi duy nhất bằng tiếng bản địa mà mình có thể nói được: “Parlankichu Castellano?” Cụ trả lời: “mana” nghĩa là không, rồi tiếp tục nói thao thao, tay chìa cái thẻ.
Nghĩ rằng có thể cụ muốn in một bản photocopi nên hỏi: cụ muốn photocopi ah? Câu trả lời là: không. Ở vùng quê này, một số người lớn tuổi có thể hiểu tiếng phổ thông đôi chút, nhưng không thể đáp trả. Cuộc trò chuyện diễn ra như vậy vài phút, người hỏi tiếng phổ thông, người trả lời tiếng bản địa. Rốt cuộc, không hiểu được cụ bà muốn gì, nên đành bảo cụ đi theo để tìm vài người hàng xóm phiên dịch.
Đi khoảng mười mét thì gặp cô Antonia, một người bán đồ ăn vỉa hè. Cô vui vẻ đồng ý làm phiên dich. Sau một vài câu giao tiếp, cô nói là cụ bà muốn hỏi vay tiền giáo xứ và xin “thế chấp” thẻ chứng minh nhân dân.
Tưởng là ai đó đang bị bệnh hay gia đình gặp chuyện không may nên cần gấp một khoản tiền, mình hỏi lại là: “Gia đình cụ có ai nằm bệnh viện ah?”. Câu trả lời ngắn gọn là không. Rồi cụ nói tiếp với cô Antonia. Cô bỗng bật cười rồi dịch lại:
“Không, cụ bà muốn mượn tiền để mua một con la.”
Mình cũng cười theo, rồi bảo cụ: “Xin lỗi cụ, giáo xứ không phải là ngân hàng, tụi con không có tiền để cho mượn theo mục đích này.” Cụ bà nghe dịch lại, chấp nhận, rồi rảo chân bước đi.
Có một điều đáng nói là đây là lần đầu tiên mình gặp cụ bà này. Cụ không phải là người trong giáo xứ vì chưa từng thấy đi lễ, cũng không rõ là nhà cụ ở đâu. Chỉ nghe nói, sau khi hỏi cô Antonia, là nhà cụ nằm ở phía sau một quả đồi, tầm khoảng 20 phút đi bộ. Ở Bolivia, nhà thờ, giáo xứ thường được hiểu là nơi có nhiều tiền, các cha có thể cho mượn hoặc cho luôn khi người dân cần những khoản giúp đỡ về tài chính. Thế nhưng đó là câu chuyện của vài thập kỉ trước khi phần lớn các linh mục làm việc ở đây đến từ nước Ý, nơi đem đến nhiều khoản trợ giúp cho người nghèo. Nhưng bây giờ, phần lớn các khoản giúp đỡ đến từ hội dòng Ngôi Lời và thường thì ưu tiên cho các hoạt động truyền giáo hay giáo dục nên đành phải nói không với cụ bà.
Trước đây Bolivia khá giống với Việt Nam, một số theo đạo vì được giúp đỡ về cơm ăn áo mặc hay tiền bạc – “đạo gạo” theo như cách nói phổ thông. Sau một thời gian khi không còn được hỗ trợ, một số chuyển sang Tin Lành hay quay trở về với cuộc sống như trước. Do đó con đường truyền giáo thời nay có nhiều thách đố khi mà trên con đường cũ vẫn còn nhiều người bước đi. Biết rằng, đạo đời phải đi liền với nhau. Truyền giáo không chỉ riêng về đời sống đức tin mà còn là tranh đấu về mặt nhân quyền, chống lại cái nghèo, cải thiện đời sống, môi trường … Thế nhưng nếu chỉ xem nhà thờ là một kho thóc hay một nhà băng để nương tựa thì thật không đúng. Và để xóa đi tư tưởng đó thì không dễ chút nào. Một người dân “có đạo” công khai chỉ trích cha xứ rằng sẽ không đi lễ vì “cha chẳng cho gì cả.” Đúng là còn rất nhiều việc để làm, ngay cả trong một giáo xứ nhỏ bé ở vùng xa này.