Masada

Dưới ánh nắng chói chang, phảng phất mùi muối biển bay lên từ bờ Biển Chết, những binh sĩ Israel âm thầm leo lên đỉnh đồi, nơi còn sót lại di tích thành trì Masada để làm lời tuyên thệ trước khi gia nhập lực lượng quốc phòng Israel. “Masada sẽ không bao giờ thất thủ lần nữa” vang rền như sấm. Lời tuyên thệ như một lời hứa thiêng liêng trước mặt tổ tiên hàng ngàn năm trước thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Israel trước những thế lực xâm lược bên ngoài.  

Masada hướng về phía bờ Biển Chết

Masada, theo tiếng Do Thái nghĩa là thành trì, nằm trên một ngọn đồi to lớn ở phía đông sa mạc Judea, gần bờ Biển Chết. Do nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng, Masada đã được xây dựng từ hơn 100 năm trước khi Chúa Giê-su sinh ra. Vào thời vua Herode Đại Đế, Masada được trùng tu và mở rộng, trở thành một pháo đài quan trọng và là cung điện mùa đông dành cho nhà vua và hoàng tộc. Vua Herode cho xây dựng những tòa nhà lộng lẫy, bể bơi, vườn thưởng uyển, kho dự trữ lương thực, hầm thu giữ nước mưa và những bức tường thành vững chãi. Theo sử học gia Josephus Flavius (nhà sử học Do Thái vào thế kỉ thứ nhất sCN, người từng nhắc đến tên của Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả trong bài viết của mình), Masada có thể chứa hơn 10000 quân, trở nên một cứ điểm phòng thủ chiến lược quan trọng. Masada vì thế mà có một lịch sử hào hùng nhưng đầy bi tráng.

Josephus Flavius - Nguồn từ New York Times

Masada trở nên nổi tiếng dưới ngòi bút của Josephus. Trong cuốn sách “The War of the Jews” tạm dịch là Chiến tranh của những người Do Thái, Josephus kể về cuộc chiến hào hùng của người Do Thái chống lại sự đô hộ của người La Mã trong lần nổi dậy thứ nhất. Vào năm 66 sCN,  người Do Thái nổi dậy chống chính quyền La Mã áp bức. Cuộc nổi loạn này được dập tắt vào năm 70 với sự kiện đền thánh Giêrusalem bị phá hủy hoàn toàn, được nhắc đến trong Kinh Thánh. Một số người trong nhóm nổi loạn Sicarii, tên gọi bắt nguồn từ những đoản dao cong (tiếng Do Thái gọi là sica) mà những người này luôn mang theo, chạy đến Masada để trốn nạn. Masada do đó trở thành chốt phòng thủ cuối cùng của người Do Thái chống lại đế chế La Mã. Vào những năm 73 hay 74, Flavius Silva dẫn hơn 8000 binh sĩ La Mã tiến đánh Masada nơi khoảng 960 người Do Thái đang cố thủ. Cuộc vây thành diễn ra trong nhiều tháng. Lính La Mã cho đắp đường, xây thành, tiến đánh pháo đài Masada. Phía bên trong thành, những người Do Thái nỗ lực chống cự. Cho đến đêm cuối cùng trước khi thất thủ, cũng là ngày bắt đầu lễ hội Vượt Qua, Eleazar Ben Yair, người chỉ huy thành, nói những lời tâm huyết cuối cùng đến toàn thể người Do Thái đang trú ngụ trong thành. “Thà chết tự do còn hơn sống đời nô lệ”. Sáng hôm sau khi lính La Mã tiến vào thành, một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt họ. Gần một ngàn người Do Thái nằm chết trước cổng thành. Cái chết bi tráng hào hùng, quyết không chịu khuất phục được kể lại bởi hai người phụ nữ và năm trẻ em người Do Thái, những người đã trốn dưới hầm chứa nước khi cuộc tự tử tập thể xảy ra.

Cho đến nay, tính xác thực của câu chuyện vẫn là một dấu hỏi lớn cho những nhà khảo cổ. Nhiều cuộc khai quật qui mô được diễn ra nhằm tìm kiếm những ngôi mộ tập thể nhưng bất thành. Câu chuyện của Josephus rất có thể là một giai thoại nhằm đề cao cuộc chiến hào hùng bất khuất của người Do Thái, đồng thời nâng cao sức mạnh thiện chiến của binh đoàn La Mã, điều mà thường được đo bằng lòng dũng cảm của những kẻ đối đầu. Josephus vốn là người Do Thái nhưng quy hàng đế chế La Mã sau khi bị bắt ở Galilee vào những năm 60s. Ông không góp mặt vào cuộc công thành ở Masada nên những gì ông viết ra để lại nhiều nghi vấn. Tuy nhiên câu chuyện về Masada vẫn còn sống mãi trong tâm trí người Do Thái cho đến tận hôm nay.

Bản đồ di tích Masada

Khi ghé thăm Masada, du khách có thể đi cáp treo hoặc leo theo những con dốc được đắp bởi lính La Mã để công thành thời xưa. Di tích trại lính La Mã, cung điện vua Herode, giáo đường Do Thái … vẫn còn sót lại như một nốt trầm trong lịch sử nhiều bi thương nhưng cũng không kém phần oai hùng của người Do Thái thuở xưa.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *