Khi nói đến khí hậu ở Israel, người ta thường nhắc đến những mùa hè oi ả và kéo dài, những ngày nắng nóng với bầu trời xanh thẫm từ tháng 5 cho đến tháng 11. Những cơn mưa rải rác chỉ bất chợt kéo đến khoảng tháng 11 cho đến tháng 3. Vậy nên, hàng ngàn năm qua người dân ở đây đã học cách sống chung với hạn hán. Với hơn một nửa đất nước là hoang mạc và bán hoang mạc, tích trữ nước ngọt là một điều không thể thiếu. Những di tích khảo cổ nổi tiếng như Zippori, Meggido, và Tel Hazor đều có những hầm chứa nước khổng lồ, lưu giữ lượng nước mưa để dùng vào mùa khô. Ngày nay Israel là một trong những nước dẫn đầu về công nghệ tưới tiêu. Tưới theo phương thức nhỏ giọt, kết hợp với công nghệ khoa học tiên tiến cùng một mạng lưới ống dẫn nước chằng chịt, đã giúp ngành nông nghiệp Israel phát triển nhanh và bền vững. Hạn hán là điều không ai muốn, tuy nhiên đối với ngành khảo cổ, đôi khi đó lại là một điều may mắn.
Vào năm 1986, Israel chống chọi với một đợt khô hạn khốc liệt kéo dài trong nhiều năm trở lại. Hồ chứa nước ngọt lớn nhất ở Israel, hồ Galilee, đang cạn dần với mực nước rút sâu đến mức báo động. Tuy nhiên, điều may mắn là chiếc thuyền Galilee, với gần 2000 năm tuổi chìm dưới đáy hồ, dần lộ ra.
Khi được phát hiện, phần lớn chiếc thuyền được bao phủ bởi lớp bùn dày đặc. Một đội ngũ đông đảo bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà khoa học, kĩ sư và tình nguyện viên được điều động đến khu vực để “giải phóng” chiếc thuyền. Thời gian không có nhiều vì mùa mưa đang đến gần. Sau ba ngày, một cơn mưa nặng hạt làm nước hồ dâng cao, đe dọa việc giải cứu. Một bức tường đất được xây lên và máy bơm được dùng để hút nước ra ngoài. Sau mười ngày chiếc thuyền đứng vững bên bờ hồ Galilee, hít thở luồng gió mát sau gần 2000 năm yên nghỉ dưới đáy hồ.
Việc bảo quản cần được tiến hành gấp rút khi chiếc thuyền không còn lớp bùn bảo vệ tự nhiên. Những miếng gỗ mục lần đầu tiếp xúc với không khí nóng khô dễ bị vỡ nát. Bên cạnh đó, việc di chuyển chiếc thuyền đến nơi bảo quản đòi hỏi nhiều tính toán khoa học. Cuối cùng một vật liệu là Polyurethane Foam (PU foam), một loại mút xốp, được phun khắp toàn bộ chiếc thuyền. Vật liệu này đóng rắn ngay sau đó giúp cho việc vận chuyển được an toàn. Khi đến nơi, một bể bơi chứa đựng nhiều dung dịch hóa học đã được gấp rút hoàn thành. Với hơn 95 tấn chất hóa học được sử dụng cách tỉ mỉ cận thận trong hơn 9 năm, lần đầu tiên chiếc thuyền được khô ráo sau 2000 năm. Thêm 5 năm nữa, cuối cùng chiếc thuyền đã được trưng bày tại viện bảo tàng Yigal Allon Centre, nằm bên bờ hồ Galilee để phục vụ khách tham quan.
Thuyền dài 8.2m, rộng 2.3m, và cao 1.2m, có thể chở đến 15 người và được dùng khoảng 20 năm. Thuyền chủ yếu được làm bằng gỗ sồi và tuyết tùng. Được sửa chữa nhiều lần bằng những miếng ván khác loại hay đã qua sử dụng. Thuyền được xác định niên đại là vào khoảng thế kỉ thứ 1 sCN, được cho là sử dụng vào thời Chúa Giêsu. Nó cho chúng ta biết thêm về ngành đánh cá của người Do Thái thời này, và loại thuyền mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã dùng.
Việc phát hiện chiếc thuyền Galilee cho chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu và các môn đệ có thể đã ngồi trên những chiếc thuyền như thế này khi đánh bắt cá hoặc rao giảng tin mừng. Cảnh tượng chiếc thuyền đong đưa khi đối mặt với gió bão ở đoạn trích Mt 8 giúp chúng ta cảm nhận được nỗi sợ hãi của các môn đệ khi chiếc thuyền nhỏ sắp bị đánh chìm và đồng thời niềm hân hoan của các ngài khi Chúa Giêsu dẹp yên gió bể bằng một lời nói.
Chiếc thuyền Galilee và những khám phá của ngành khảo cổ giúp chúng ta đọc Kinh thánh với một cái nhìn khác, một cái nhìn xuyên suốt những dòng chữ, vượt thời gian để đặt mình vào bối cảnh của vùng đất khô cằn 2000 năm trước, ngắm nhìn những bước chân truyền giáo rẻo khắp bờ hồ Galilee.
Biết để cảm nghiệm nhiều hơn. Và, cảm nghiệm nhiều để yêu mến nhiều hơn.